Tiền bạc chưa nhiều nhưng tấm lòng luôn rộng mở
Kình ngư Para Games Nguyễn Thị Sari từng chia sẻ rằng nếu không có ông Trần Hoàng Minh, có lẽ chị sẽ không đến được với hồ bơi, không được đi thi đấu thể thao ở trong nước và ngoài nước, không được chạm tay vào những chiếc huy chương lấp lánh.
Chị Sari kể: “Tôi gặp bác Minh khi làm công việc cắt chỉ ở xưởng thêu vi tính. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, bác Minh nhận về cưu mang tại gia đình Mùa Xuân. Nhờ gia đình Mùa Xuân, cuộc đời tôi mở sang trang mới. Tôi trở thành vận động viên quốc gia và đi tiếp con đường học vấn còn dang dở. Khi đó, gia đình Mùa Xuân rất nghèo. Mỗi ngày, bác Minh phải chở những đứa con khuyết tật (2-3 người) trên chiếc xe máy cà tàng đến hồ bơi. Có hôm trời mưa, nước ngập, xe chết máy giữa chừng, bác phải bồng các con xuống để khởi động máy xe, rồi lại bồng lên chở đi tiếp, có khi 3-4 lần mới tới được hồ bơi”. Chị Sari vô cùng xúc động. Chị tự nhủ phải ráng tập bơi để không phụ lòng ông Minh.
Từ câu chuyện của chị Sari, chúng tôi đến gặp ông Trần Hoàng Minh, SN 1942, hiện sống tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông có gương mặt hiền lành, phúc hậu. Ở tuổi ngoài 80, mái tóc đã bạc vì bao sương gió của cuộc đời nhưng ông vẫn minh mẫn. Ông Minh cho biết: “Từ bé, tôi đã được người mẹ kính yêu dạy phải thương yêu và giúp đỡ những người kém may mắn, nhất là những người tàn tật (lúc ấy chưa có từ “khuyết tật”). Đó là lý do tôi chọn gắn bó cuộc đời mình với những người khuyết tật”.
Hành trình nhân ái của ông Minh bắt đầu từ năm 1999, từ lời ngỏ của một người cháu ở tỉnh Tiền Giang đến tá túc nhà ông ở TP.HCM để ôn thi đại học. “Cháu có đứa bạn là Minh Lý bị liệt hai chân. Nó vẽ đẹp, muốn đi học mà không có điều kiện. Nghe cháu nói vậy, tôi không đắn đo suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay: Nếu bạn con muốn lên đây học thì bác có thể giúp” - ông Minh kể lại.
Khi đó, ông Minh làm nghề sửa chữa tivi và thiết bị điện lạnh để sinh sống. Không giàu có về tiền bạc nhưng tâm hồn ông lúc nào cũng rộng mở. Ông nghĩ rằng, để có thể giúp người khác, điều quan trọng phải có là tình yêu và niềm tin. Những điều này, ông không thiếu nên vui vẻ nhận lời.
Có tự do mới có hạnh phúc!
Khi nhận Minh Lý - thành viên đầu tiên của gia đình Mùa Xuân (tên mà ông Minh đặt cho ngôi nhà cưu mang người khuyết tật của mình), điều đầu tiên ông nghĩ đến là giúp Minh Lý có được niềm vui trong cuộc sống. Theo ông Minh, muốn có niềm vui thì trước hết phải được tự do, muốn tự do phải nuôi được mình. Vì vậy, ông giúp các em có công việc phù hợp để làm. Có được việc làm ổn định, các em sẽ tự nuôi sống bản thân, hòa nhập với xã hội và quan trọng sẽ dần xóa đi mặc cảm, tự ti, tự tin hơn và cuối cùng sẽ tìm được niềm vui, hạnh phúc riêng trong cuộc sống.
Sau Minh Lý, gia đình ông Minh tiếp tục mở rộng cửa đón những người trẻ khuyết tật khác. Sau hơn 20 năm thành lập, gia đình Mùa Xuân của ông đã cưu mang gần 200 người khuyết tật từ mọi miền đất nước. Thời điểm đông nhất có hơn 30 thành viên. Ông Minh nói: “Nhận nhiều người cực hơn nhưng vui vì các em có điều kiện sống với những người cùng hoàn cảnh, có việc làm cùng nhau”.
Ban đầu, gia đình Mùa Xuân may giẻ lau hay gia công các mặt hàng đơn giản. Đến nay, các sản phẩm do gia đình Mùa Xuân làm ra đã đa dạng, hoàn thiện hơn, đạt chất lượng cao, được bán tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và còn xuất sang nước ngoài. Ngoài tranh thêu, tranh vẽ, tranh giấy xoắn, áo, nón len, đầm, váy, áo quần nam, nữ được may theo ý khách hàng còn có nhang sạch, cây hương quế, các đồ thủ công mỹ nghệ làm bằng da cá sấu,...
Hiện các em trong gia đình Mùa Xuân làm các công việc như đan móc len, thêu, may, làm tranh giấy xoắn, kết cườm,... và có thu nhập từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/tháng, tùy tay nghề và sức khỏe.
Ngoài làm thủ công tại gia đình Mùa Xuân, một số trường hợp khác được ông Minh chở đi xin việc hoặc khi tìm được việc làm ở nơi khác, mỗi sáng, chiều, ông đều đưa đi, đón về. Tấm lòng của ông như tấm lòng của người cha. Có hôm, ông chở Trần Thị Kim Nhiên đi xin việc, đến nơi, thấy Nhiên là người khuyến tật, nhà tuyển dụng không muốn nhận, lòng ông đau như cắt.
Một số em sau khi đến với gia đình Mùa Xuân vẫn có thể tiếp tục con đường học vấn tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và có việc làm như Lê Thị Hương, đang làm việc tại Công ty Vifon; Lâm Thị Minh Trang làm việc tại Công ty Viettel; Trần Thị Kim Nhiên làm ở Công ty Gốm sứ Minh Long; Trần Thị Diệp Mẫn mở phòng châm cứu, bấm huyệt;...
Nhìn thấy các em vui tươi, rạng rỡ nụ cười là niềm hạnh phúc lớn lao của người chủ gia đình Mùa Xuân. Chính vì vậy, chưa bao giờ ông nề hà làm những công việc như lo chỗ ăn, ở cho các em hay mỗi ngày dắt hơn chục chiếc xe hai bánh, ba bánh, xe lắc, xe đạp. Rồi những lúc đêm hôm cúp điện, cầu nghẹt, cống tắc,..., ông cũng một mình đảm đương mọi việc sửa chữa. Các em ở gia đình Mùa Xuân thường đùa rằng: “Bác vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là thầy, vừa là thợ, vừa là osin”.
Với phương châm khỏe giúp yếu, chị dìu dắt em, mọi người đều yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau nên không khí trong gia đình Mùa Xuân lúc nào cũng vui tươi, đầm ấm. Một người trong đoàn làm phim của Đài Truyền hình TP.HCM khi đến làm phóng sự về mái ấm đặc biệt này đã phải thốt lên rằng: “Đúng là Mùa Xuân! Lúc nào cũng thấy các em cười đùa vui vẻ, như không khí mùa xuân vậy!”.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (quê tỉnh Đắk Lắk) bị bệnh trầm cảm 5 năm (sau khi chồng mất). Khi về với gia đình Mùa Xuân chưa đến 3 tháng, tinh thần và tâm lý của chị được phục hồi và trở lại bình thường. Chị Thủy bây giờ đã có gia đình mới rất hạnh phúc với tiệm may nhỏ ở quê. Khi trở lại thành phố dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai, hai mẹ con đến thăm ông Minh. Chị Thủy nghẹn ngào ôm chầm lấy ông và nói: “Bác cho con gọi bằng ba nhé! 5 năm mắc bệnh trầm cảm và vượt qua, khác gì bác đã sinh ra con lần hai!”.
Ngôi nhà có hơn 1.000 chiếc huy chương
Năm 2003, Minh Lý là người đầu tiên trong gia đình Mùa Xuân thi bơi Para Games đoạt 3 huy chương vàng (HCV) và 1 huy chương bạc (HCB). Từ đó, các em khác trong gia đình Mùa Xuân cũng noi theo. Ông Minh luôn hết lòng động viên, ủng hộ những “đứa con” của mình vì thể thao ngoài giúp nâng cao sức khỏe còn có thêm thu nhập (hồi đó, 1 HCV Para Games được thưởng 15 triệu đồng).
Được sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Minh, những thành viên của gia đình Mùa Xuân nỗ lực, phấn đấu để không phụ lòng “người cha thứ hai” của mình. Theo lời ông Minh kể, có em chưa hề biết bơi nhưng chỉ trong 6 ngày đã bơi qua lại hồ bơi 50m dễ dàng hay chưa đầy 5 tiếng đồng hồ trong 6 ngày đã bơi thành thạo 2 kiểu bơi sải và bơi ếch.
Sau 20 năm, các thành viên của gia đình Mùa Xuân mang lại cho ông Minh niềm vui và tự hào với gia tài 1.069 huy chương (tính đến tháng 12/2023). Trong đó, có 105 huy chương quốc tế. Đến nay, ông Minh vẫn có thể nhớ rõ từng cột mốc đáng tự hào của những người con như Nguyễn Thị Minh Lý đoạt 5 HCV quốc tế, Nguyễn Thị Mỹ Nang 3 HCV, Dư Thị Lan 5 HCV, Nguyễn Thị Sari 5 HCV và 1 cúp đại hội Para Games, Vi Thị Hằng 9 HCV và là 1 trong 6 vận động viên đang tập huấn cho Paralympic Paris 2024. Trong đó, có 4 em được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, riêng Vi Thị Hằng 2 lần nhận Huân chương Lao động hạng Ba,...
Thấy các thành viên của gia đình Mùa Xuân thành công, ông rất đỗi tự hào. Và khi các em tìm được hạnh phúc riêng, ông vui mừng gấp bội. Có trường hợp, ông đứng ra dựng vợ gả chồng. Như em Nguyễn Thị Lan Thương bị liệt hai chân, ba mẹ không chấp nhận con rể cũng bị liệt hai chân như em. Lan Thương nói với ông Minh rằng: “Ba mẹ con không chịu, thôi bác đứng ra lo liệu cho chúng con”. Gia đình của Lan Thương đã có 2 cô con gái đẹp như 2 nàng tiên, ba mẹ Lan Thương giờ cũng rất quý con rể.
Đến nay, bên cạnh 200 thành viên, gia đình Mùa Xuân còn có thêm 50 đứa cháu, tất cả đều khỏe mạnh, bình thường. Ông Minh luôn mong những đứa trẻ này sẽ là điểm tựa của ba mẹ chúng khi về già. Sau dịch Covid-19, do tuổi cao, sức yếu, việc quản lý gia đình Mùa Xuân, ông trao lại cho các em theo lời đề nghị: “Bác yếu rồi, mọi việc để bọn con lo. Bác như là tán cây cổ thụ che chở chúng con, thế là được rồi!”.