Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí MInh

XÚC ĐỘNG: “THẦY GIÁO LÀNG” DẠY HỌC CHO 80 ĐỨA TRẺ TRONG NGÔI MIẾU Ở BÌNH DƯƠNG

Đến miếu Bà ở ấp Thương (khu phố Châu Thới, phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), một hình ảnh khiến ai nhìn thấy cũng nhớ đến ông giáo làng thời xa xưa. Nơi đây có một lớp học luôn sáng đèn mỗi buổi tối. Có những đứa trẻ mới lên sáu song cũng có đứa đã mười mấy tuổi vẫn tập đánh vần từng con chữ.

Đó là lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được anh Đỗ Thiện Thành (31 tuổi, ngụ Bình Dương, hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng Đội phường Bình An) đảm nhận suốt 11 năm qua.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thành nói rằng, ở thủ phủ công nghiệp tỉnh Bình Dương, người lao động từ nhiều tỉnh, thành phố khác đến mưu sinh, trong đó không ít trường hợp vì nhiều nguyên nhân, con em của họ không được đến trường.

Tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh công nhân khó khăn, không cho con đến trường, trẻ em phải đi bán vé số… anh Thành không thể ngó lơ, muốn làm điều gì đó vì tương lai của các bé.

Từ đây, lớp học tình thương của anh Đỗ Thiện Thành ra đời. Lớp học bắt đầu lúc 17h và thường kết thúc lúc 19h dạy từng con chữ, phép tính cho các em không được đến trường. Mỗi em ở lớp học là mỗi hoàn cảnh éo le khác nhau. Theo anh Thành, lớp học hiện nay có khoảng 80 em nhiều lứa tuổi nhưng có điểm chung là đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Khi được hỏi, điều gì khiến anh thấy hạnh phúc nhất trong lớp học tình thương, chàng trai trẻ Đỗ Thiện Thành nói rằng: “Tôi luôn xúc động mỗi khi tới lớp. Các em học sinh chạy đến, vây quanh và chào bố. Tuổi còn trẻ, bỗng dưng có một đàn con, còn gì tuyệt vời hơn ở đời này. Có nhiều hôm, các bé đến lớp từ rất sớm, khi thấy tôi đến, các bé hô to “bố ơi, bố ơi”… Bao nhiêu mệt mỏi đều xua tan hết”.

Dõi theo những bước chân của “đàn con” rời lớp học về nhà, anh Thành nghẹn ngào kể với chúng tôi rằng, suốt 11 năm qua, anh chứng kiến không ít trường hợp có em phải trốn cha mẹ để đi học.

“Có nhiều em, cha mẹ làm công nhân theo từng ca, nên buộc phải ở nhà chăm em. Cũng có những em mồ côi cha. Mẹ không cho đi học. Tôi phải đến tận nơi ở để vận động. Khi nghe tôi nói, đừng để đời con sau này cũng khổ như mình, phụ huynh mới đồng ý để con đến lớp”.

Anh Thành nói rằng, mong muốn của anh không chỉ giúp các em biết con chữ mà phải làm sao để khi lớn lên ổn định cuộc sống. Sau khi hoàn tất việc học theo chương trình của lớp học tình thương, đối với những bé lớn tuổi sẽ được anh Thành giới thiệu đến nơi đào tạo học nghề và giới thiệu việc làm.

 


Các tin khác