Má Ba là tên thân thương người ta vẫn thường gọi, chứ ít ai biết tên thật của má là Nguyễn Thị Nga (SN 1939, ngụ phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).
Má kể, những năm 80, có người rủ đi miền Trung từ thiện, má đi liền. Bước chân đầu tiên cho hành trình kéo dài hơn 40 năm làm việc thiện của má là ở Bình Định và Quảng Ngãi. “Lúc đó, họ quần áo rách rưới, má nhìn mà không cầm được nước mắt. Con có biết 19 Trà không? (là 19 xã có tên Trà đầu tiên của huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi hồi trước năm 2002). Má đi hết cả, người đồng bào thương lắm. Đoàn của má kết nghĩa với họ, cứ đến trung tâm huyện là có người đón, vượt núi, vượt sông vào từng bản làng để phân phát quà”.
Kể từ lần đầu đó, má Ba lượm, xin những vải vụn từ các tiệm may, mang về may thành những quần, những áo. Dắt tay khách vào nhà, má chỉ từng đống vải, lật từng tấm ni lông, “Con coi nè, gia tài quý giá của má đó, quần áo cả ngàn cái. Má may để sẵn đó, lâu lâu đi một chuyến cho người ta hết. Mình khổ nhưng người ta còn khổ hơn. Mấy người bị phong đó, có ai dám lại gần, người ta sợ lây bệnh. Nếu mà lây cũng được nhưng mấy chục năm qua, má có mệnh hệ gì đâu”, má Ba chia sẻ.
Má ở một mình nhưng má không muốn phiền đến ai. Người xung quanh giúp bữa ăn, má không nhận. Cứ mỗi sáng, mở cửa, má lại thấy bịch thức ăn treo ở cửa nhà. “Riết rồi, má phải treo bảng không nhận đồ ăn. Má cần gì đâu, mỗi bữa một ít rau luộc chấm nước tương, một chén cơm là đủ. Phiền hà gì đến người khác”, má cười.
Mỗi ngày, sáng sớm, má dạo quanh xóm nhặt ve chai bán kiếm mấy ngàn mua rau, mua gạo và bỏ vào heo đất tiết kiệm. Xong đâu đó, má ngồi vào bàn may, đạp máy khâu từng đường chỉ, cần mẫn. Tiền người khác cho, má nhận nhưng không xài, má cho vào hai con heo đất. “Vậy mà cứ mấy tháng lại được cả chục triệu. Má đập ra, mấy trại phong thiếu gì má mua”, má Ba kể.
Giáo lý nhà Phật là kim chỉ nam cho cách sống của má. Với má, “giúp một người bằng cúng dường mười phương chư Phật” nên không bao giờ má thôi làm việc thiện. “Má làm việc này không phải là bố thí, càng không phải giúp ai, má đang giúp chính má đó. Cứ hễ còn sống ngày nào, má đều muốn làm việc thiện. Có mệt, nhưng nghĩ đến người bệnh phong, quần áo rách nát, má lại ngồi vào bàn may, như một thói quen”.
Từ đầu năm đến giờ, má đã hai chuyến đến trại phong ở Đắk Lắk và Kon Tum. Thấy bà cụ “gần đất xa trời” nhưng vẫn miệt mài vì người nghèo, nhiều bạn trẻ xin theo chung đoàn. Má vui lắm. Đồ má may, má chăm chút từng đường chỉ, từng nếp gấp. Chỗ nào lỗi, chỗ nào không đẹp, má tháo ra may lại. Má bảo: “Đồ má may cho người nghèo là đồ cúng cho Phật nên phải đẹp, phải đường hoàng, không qua loa được. Cái gì má cũng dễ nhưng đồ má tặng cho người nghèo rất khắt khe. Có mấy bạn đến đây phụ gấp quần áo để mang đi tặng nhưng má thấy không vừa lòng nên tự tay làm. 40 năm rồi chưa tìm được người gấp quần áo phụ má”.
Bây giờ, má không sợ chết, má sợ nhất là không còn được may quần áo cho người nghèo: “Con tìm ai nối nghiệp giúp má. Vải còn nhiều lắm, má mới mua”. Với má, sống ngày nào, làm việc thiện ngày đó vì khi chết đi con người chỉ còn lại “nghiệp và phước”…