Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí MInh

Từ quê lên Hà Nội học tập và làm việc, nhóm bạn trẻ 10X tự bỏ tiền riêng, chắt bóp chi tiêu, thuê nhà đón người vô gia cư về sống

"Đừng gọi tôi là vô gia cư"

Xem video trên mạng xã hội về hoàn cảnh cụ ông vô gia cư nhặt ve chai đoạn nhà thờ Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Lê Thanh Hải (23 tuổi) tiếp cận hỏi thăm.

Cụ ông tự giới thiệu là Nguyễn Văn Phương, 90 tuổi, quê Nam Định, sinh ra tại Hà Nội. Không gia đình, cụ ông lang thang khắp Hà Nội nhặt ve chai, sớm thì 12h đêm, muộn 2h sáng, sống nhờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện.

Sau một tháng làm quen, Hải ngỏ ý mời cụ Phương về căn nhà chung mà cậu và hai người bạn thành lập, tên "Hà Nội chung tay". Nghe tin, cụ Phương mừng rỡ, nói rằng "sức khỏe tốt, mắt hơi kém, sẽ không là gánh nặng cho họ".

Hôm đầu tiên về căn nhà 4 tầng trong ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa), cụ ông bị lạc, nhóm Hải tìm kiếm khắp khu phố. Cụ nhận căn phòng trên tầng 4, rộng chừng 15m2, nhận xét "lịch sự và gọn gàng".

"Tôi liên tục lau chùi căn phòng, dùng dao cạo đi những vết bẩn", cụ hào hứng kể.

28 Tết Quý Mão, cụ Phương được đón cái Tết đầm ấm tại "Hà Nội chung tay", cùng cắt bánh chưng, giò lụa và nhận quà như gạo, miến, thịt đông. "Cuối cùng, chúng tôi đã thực hiện được lời hứa giúp người vô gia cư đón Tết hoặc ít nhất trải qua mùa đông giá rét", Hải nói.

Cuối năm 2022, Hải từ quê lên Hà Nội, cùng hai người bạn Lê Minh Sơn và Nguyễn Vương Anh (sinh viên, 21 tuổi) dành một tháng đi khắp vỉa hè dọc phố cổ, quận Hai Bà Trưng, từ 12h đến 2h sáng, tìm hiểu cuộc sống của những người vô gia cư.

Trò chuyện và gắn kết với họ, nhóm biết được những người vô gia cư đều chung ước mơ là có một nơi để về sau ngày dài mưu sinh trên đường phố. Bắt tay thực hiện, với quyết tâm giữ trọn lời hứa, Noel năm ngoái, đúng sinh nhật Hải, nhóm chốt thuê vội căn nhà 4 tầng, với giá 6,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tầng một phòng, vệ sinh khép kín, phù hợp ở từ 2 - 3 người.

Bà Lê Thị Thủy, 64 tuổi, bất ngờ khi nhóm sinh viên tìm đến thuê nhà cho người vô gia cư. Bà không lo ngại sống cạnh người vô gia cư, hiểu rằng vì hoàn cảnh, họ mới phải ra đường mưu sinh và sống lang bạt khắp phố phường.

Sau khi thuê nhà, 3 thanh niên tự bỏ tiền mua lại một số vật dụng cũ giá rẻ như: nệm, chăn, chiếu, bình nóng lạnh,…Họ gọi đây là một dấu ấn, khi mà chỉ còn 6 ngày nữa là bước sang năm mới Dương lịch, kịp đón Tết cùng người vô gia cư.

Để thuyết phục người vô gia cư tin tưởng về nhà chung, mỗi thành viên có cách riêng. Nếu Sơn tâm sự, tìm hiểu khó khăn và giúp đỡ họ ngay lúc đó, để tạo niềm tin, thì Hải chọn tiếp cận chậm rãi, trải nghiệm cuộc sống của họ trong nhiều ngày.

Mỗi chiều những ngày trước Tết, Hải thường đánh cờ cùng cụ Đặng Thế Quý, 72 tuổi, sống một mình trên con thuyền bỏ hoang của công ty du lịch trên sông Hồng. Hàng ngày, ông câu cá bán cho mối quen để kiếm tiền.

Lâu dần, ông Quý cũng mở lòng, kể Hải nghe hoàn cảnh gia đình. Ông cũng từng có nhà, sống cùng các con, nhưng phải bán đi sau một vụ hỏa hoạn. Ông chia tiền cho các con, dành phần còn lại trả nợ, mua thuốc, rồi dạt đến sông Hồng.

"Sống trên con thuyền nhỏ, sông nước bồng bềnh dễ say sóng, bất tiện mưa gió, lạnh rét, nên khi cháu Hải mở lời, tôi đồng ý ngay", ông Quý nhớ lại.

Trước khi đưa ông Quý lên mặt đất, Hải gọi điện cho các con của ông sống trong miền Nam, để xin phép, cam kết chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý. Họ đồng ý ngay, nói không có điều kiện chăm sóc bố, cảm thấy yên tâm khi có người bên cạnh tâm sự cùng ông.

Ngày đón những người vô gia cư về nhà, nhóm tự tin treo tấm bảng trước cửa: "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư". Ngôi nhà chính thức được thành lập, với mục tiêu không chỉ là mái nhà cho những người vô gia cư, mà còn giúp họ tìm công việc, tự tạo ra thu nhập để sau này lo cho bản thân, mà không phải ra đường bám víu người khác.

"Hà Nội chung tay" hiện là mái ấm của 3 cụ ông vô gia cư, ngoài cụ Phương và ông Quý, còn ông Nguyễn Bá Thành (70 tuổi, quê Hải Phòng), chuyên bán quần áo cũ.

Mỗi người sống một tầng, tự nấu ăn trong phòng riêng. Những ngày quá khó khăn không đủ tiền mua thức ăn, họ nhắn tin cho nhóm Hải, được hỗ trợ sữa, đồ ăn, cháo. Thỉnh thoảng, các thành viên chia nhau đến nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.

Nhóm đặt ra một số nguyên tắc duy trì hoạt động, như không kêu gọi hỗ trợ, các cụ phải về nhà trước 11h đêm, không ra đường ăn xin,… để thay đổi cách nhìn của xã hội theo thông điệp: "Đừng gọi tôi là vô gia cư".

Để hợp thức hóa hoạt động của "Hà Nội chung tay", Hải đến trụ sở Công an phường Văn Chương, báo cáo kế hoạch thiện nguyện, đồng thời làm hồ sơ đăng ký tạm trú tạm vắng cho người vô gia cư, đề phòng những trường hợp phát sinh.

"Chúng tôi tuân thủ quy định pháp luật, công khai minh bạch, được cán bộ công an phường hỗ trợ điều tra nhân thân của người vô gia cư. Nếu họ từng vi phạm pháp luật, sẽ được quản lý sát sao hơn", Hải nói.

"Bọn này khùng điên, nhiều tiền nhỉ?"

Tháng đầu tiên triển khai dự án "Hà Nội chung tay", nhóm tiêu tốn 10 triệu đồng, bao gồm tiền nhà, tiền sinh hoạt và các loại chi phí phát sinh. Ngoài Hải đã đi làm, thỉnh thoảng chạy xe ôm công nghệ, thì Sơn và Vương Anh đều là sinh viên, cố gắng tìm việc làm thêm để tạo ra thu nhập.

"Bố mẹ vẫn chu cấp tiền sinh hoạt bình thường, chúng tôi tiết kiệm, dành giúp đỡ các cụ", Vương Anh kể, nói không quá đặt nặng vấn đề tiền bạc. Đôi lúc, họ cảm thấy quá sức, không có tiền dành cho bản thân, giảm thời gian đi chơi, nhưng mãn nguyện với dự án của mình.

Nếu mẹ Sơn hoàn toàn đồng ý với dự án thiện nguyện của con trai, thì bố phản đối, "sợ con dễ vướng lao lý". Nhưng sau 3 tháng, nhận thấy tính nhân văn của hoạt động này, ông yên tâm, dặn con và các bạn luôn cẩn thận, nhất là vấn đề tiền bạc.

Riêng bố mẹ Hải không đồng ý, vì cậu là con trai duy nhất phải chăm lo cho gia đình. Để thuận tiện theo đuổi dự án, cậu xin bố mẹ chuyển ra ngoài thuê trọ cùng Sơn.

Ngoài áp lực từ gia đình, 3 chàng trai còn thường xuyên bị nói là "rảnh rỗi", "bọn này nhiều tiền nhỉ?", "nhà giàu", "rửa tiền", "đa cấp", thậm chí "khùng điên". Những người lịch sự hơn thì khuyên họ tập trung học tập và làm việc, lo chu toàn cho bản thân trước đã.

Thời gian đầu "Hà Nội chung tay" mới thuê nhà trong ngõ, do tâm lý chung, người dân trong tổ dân phố cũng có phần ái ngại. Nhưng sau khi lắng nghe câu chuyện, ý nguyện của nhóm, họ dần bị thuyết phục.

"Các bạn thanh niên năng động, đi dạy thêm, làm thêm, cố gắng duy trì hoạt động dự án. Tôi cũng thường xuyên hỗ trợ bằng cách cho mượn đồ dùng", bà Thủy nói.

Ông Bùi Văn Long, Tổ trưởng Tổ dân phố số 15, cụm 9, phường Văn Chương, cũng vận động, góp phần thay đổi cái nhìn của các hộ dân xung quanh về người vô gia cư. Trong khu phố, mọi người niềm nở hơn với các cụ ông, ngưỡng mộ tấm lòng thiện nguyện của nhóm "Hà Nội chung tay".

Cho đi tình thương để nhận lại tình thương

Hải nói, kế hoạch ban đầu của "Hà Nội chung tay" chỉ kéo dài 3 tháng. Nhưng sau vài ngày triển khai, cậu biết rằng "không thể bỏ rơi các cụ, nên tiếp tục dự án, giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh".

Trong tương lai, 3 chàng trai dự định nuôi các cụ trọn vẹn, tạo hình thức kinh doanh không quá vất vả theo cách "cho người ta cần câu hơn là cho con cá". Hải từng nghĩ đến mô hình xe nước ép trái cây, để các cụ dễ dàng đẩy bán hàng trong khu vực.

Nếu dư dả, nhóm sẽ tổ chức phát cơm, quà cho các hoàn cảnh vô gia cư khác hoặc tặng học bổng cho trẻ em nghèo.

"Sau này, chúng tôi mong muốn những hoạt động thiện nguyện của 'Hà Nội chung tay' sẽ do chính các cụ trong mái nhà thực hiện. Các cụ từng là 'những chiếc lá rách', được chúng tôi đùm bọc. Khi được chữa lành, chính các cụ sẽ giúp đỡ hoàn cảnh từng như mình", Sơn cho hay.

Căn nhà như một xã hội thu nhỏ, mỗi người một cá tính riêng, thỉnh thoảng phát sinh cãi vã. Nhóm thống nhất nếu gặp vấn đề, các cụ sẽ chia sẻ với các thành viên, để nhóm đứng ra giải quyết, "cố gắng là một gia đình đoàn kết, hòa thuận".

3 chàng trai mong muốn các cụ hiểu rằng khi được đón nhận tình thương, thì chính các cụ cũng phải yêu thương những hoàn cảnh khác trong gia đình.

Nhóm đặt mục tiêu đón 10 người vô gia cư về "Hà Nội chung tay", sắp xếp 3 người/phòng, hy vọng dự án được lan tỏa rộng rãi. Nếu số thành viên tăng cao, họ sẽ tìm một căn nhà khác rộng rãi hơn.

Ba tháng có nơi ở mới, cụ Phương và ông Quý cảm thấy như "gia đình thứ hai", được yêu thương sau những tháng ngày lang bạt, bồng bềnh trên sông nước. Họ nói rằng sau này nhóm chuyển đến đâu, vẫn sẽ theo đến đấy, "cùng sống như người một nhà".

"Sự hài lòng của những người vô gia cư chính là động lực để chúng tôi đồng hành với họ lâu hơn. Biết đâu sau này, họ quay lại giúp đỡ chúng tôi và những hoàn cảnh khác", Sơn cười, nói.

Theo Dân trí


Các tin khác