Anh Võ Văn Lành (27 tuổi) nở nụ cười khi nghe hỏi về chuyện cô Hạnh dạy anh học chữ. "Nếu không nhờ cô Hạnh, không biết cuộc đời tôi còn đang chìm nổi nơi đâu. Cô là người đặt những "viên gạch" chữ cái đầu tiên; dạy tôi học đánh vần, học đọc, học viết, học làm các phép tính. Cha mẹ cho tôi cuộc sống nhưng cô Hạnh là người dạy tôi biết chữ, biết làm toán; thay đổi cuộc đời tôi. Ngôi nhà và xưởng sản xuất là do tôi tạo dựng. Nhưng nếu không có chữ, không có tri thức, chắc chắn tôi không bao giờ thực hiện nổi điều này" - anh Lành bộc bạch.
Năm 1976, phong trào xóa mù chữ được đẩy mạnh. Lúc đó, cô Hạnh mới mười tám, đôi mươi, học xong lớp 9, tham gia dạy chữ cho cư dân vạn đò trên sông Hương. Cứ tưởng dạy đôi ba năm, không ngờ hành trình "gieo" chữ cho cư dân sông nước theo cô đến tận bây giờ.
Khi những cư dân vạn đò được lên bờ tái định cư ổn định cuộc sống, cô Hạnh lại vận động phụ huynh cho con đến trường công lập. Nhưng nhiều em không có giấy khai sinh, không thể đi học. Thế là cô "xuôi ngược" từ nhà tổ trưởng dân phố đến chính quyền địa phương, tìm cách làm giấy khai sinh cho từng em. Có giấy khai sinh, tiếp tục làm hồ sơ xin cho các em vào học ở các trường công lập. Hỏi sao lại mang nặng "nợ duyên" với người dân vạn đò, cô Hạnh trả lời giản dị: "Vì thương".
Năm nào chuẩn bị đến hè, gặp học trò trong xóm, cô lại dặn tụi nhỏ để lại cho cô sách vở cũ. Vở cũ trang nào chưa viết, cô cần mẫn cắt ra, đóng lại thành tập, trang nào viết rồi thì gom lại bán ve chai, lấy tiền mua thêm bút viết, phát cho học trò.
Nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn không thể đi học tiếp, cô Hạnh lại xin cho đi học nghề; kết nối các tổ chức, quỹ hỗ trợ để xin học bổng, phụ cấp hỗ trợ. "150.000 đồng nhận được mỗi tháng từ các quỹ hỗ trợ mà cô Hạnh xin được đã giúp tôi có tiền trang trải để theo học nghề. Tôi biết ơn cô Hạnh nhiều lắm" - anh Võ Văn Lành chia sẻ.
Lớp học miễn phí của cô Hạnh bây giờ tầm 20 em từ lớp 1 đến lớp 5. Đa phần các em đang học tại các trường tiểu học trong khu vực nhưng học lực yếu nên cô Hạnh kèm thêm. Nhiều năm liền, cô Hạnh là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Kim Long, chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố. Trong quá trình dạy xóa mù, cô đồng hành, giúp người dân nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội, phát triển kinh tế. Con cái họ nhờ vậy được học hành tử tế.