Sinh ra trong một gia đình khá giả, đầy đủ vật chất từ nhỏ, Phúc thấy mình cần cảm thông, san sẻ và làm điều gì đó cho những người kém may mắn. Tháng 9/2018, Phúc đã tập trung được một số bạn học sinh trên địa bàn tỉnh có chung chí hướng thành lập nhóm từ thiện "Fly to Sky". Trưởng nhóm Lê Văn Phúc lúc ấy mới 16 tuổi, học sinh trường chuyên Hùng Vương nổi tiếng tại Pleiku (Gia Lai).
Ngoài hoàn thành tốt việc học, thời gian còn lại, Phúc dành hết cho công tác thiện nguyện. Tiếng vang từ những hoạt động thiện nguyện đó đã thu hút nhiều bạn học sinh ở Pleiku tham gia cùng "Fly to Sky". Chỉ sau 2 năm, Lê Văn Phúc đã là chủ nhiệm của 15 dự án, chiến dịch, chương trình tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Số tiền nhóm kêu gọi được để làm công tác thiện nguyện lên đến hàng tỷ đồng.
Những giá trị của "Fly to Sky" và Phúc mang đến cho cộng đồng đã thuyết phục được Trung tâm Tình nguyện quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn) kết nạp nhóm và quản lý trực tiếp. "Lúc đó, do hầu hết thành viên còn đang là học sinh, "Fly to Sky" rất khó để xin phép thành lập một tổ chức thiện nguyện có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, những hiệu quả của nhóm mang lại đã được Trung ương Đoàn ghi nhận và quản lý trực tiếp. Từ đó, việc hoạt động trở nên quy củ và hiệu quả hơn. Số lượng tình nguyện viên không chỉ hạn chế trong khu vực trường chuyên Hùng Vương mà lan tỏa ra khắp các trường khác và cả các tình, thành phố khác”, Phúc kể lại.
Phúc cho biết, lúc đó chỉ mới 16,17 tuổi, đi xin hỗ trợ từ doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, Phúc còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhiều nơi nhìn cậu học trò với ánh mắt e ngại khiến anh bạn cũng “nhát”. Nhưng khi nghĩ về hiệu quả của các dự án sẽ phần nào vơi bớt những gánh nặng cho người nghèo, Phúc dần mạnh dạn hơn. Những đợt mang hàng từ thiện đến cơ sở, các bạn thiện nguyện trong nhóm của Phúc hầu hết vận chuyển bằng xe máy, một vài lần do hàng hóa quá nhiều cộng với việc đường đến nơi cần hỗ trợ quá xa, hiểm trở, các em đành bỏ tiền thuê xe tải vận chuyển.
Nhiều dự án của "Fly to Sky" gây tiếng vang và tổ chức dài hơi trong suốt thời gian qua như “Smile Class” – lớp học tiếng Anh cho trẻ em ở các mái ấm, “Đổi sách lấy cây” và “Tủ sách Bồ câu trắng”. Khi COVID-19 bùng phát, lũ lụt hoành hành ở miền Trung năm qua, Phúc và các bạn “vắt chân lên cổ” với nhiều hoạt động thiết thực như: Dự án Chiến sĩ lọc nước huy động 1000 bình lọc nước giúp các học sinh vùng lũ miền Trung, Dự án “Anh hùng diệt khuẩn” từ 5/2 đến nay đã kêu gọi 1,5 tỉ đồng , phát 25 ngàn chai nước rửa tay, 500 chai xà bông, 1000 lít dung dịch sát khuẩn, 8500 khẩu trang y tế trong 9 đợt trao tặng cho các trung tâm cách ly, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trường học... tại Gia Lai và 6 tỉnh, thành khác.
Với một học sinh, làm thủ lĩnh nhóm thiện nguyện mà vẫn chu toàn việc học là một thách thức với Lê Văn Phúc. Nhưng chàng trai trẻ vẫn vượt qua. Thậm chí vừa làm vừa lo thi…học sinh giỏi quốc gia. Năm 2020, giữa lúc căng mình cùng các bạn làm chương trình hỗ trợ cộng đồng ảnh hưởng vì COVID-19. “COVID-19 bùng phát, cũng là lúc các bạn trẻ của nhóm "xông pha", chẳng ngần ngại gì ngay khi còn là mùng trong Tết đã chuẩn bị chiến dịch, một chiến dịch dài dẳn mà hết 2020 vẫn chưa tổng kết nhằm hỗ trợ phòng chống dịch; xông pha vào cả khu cách ly hay cả biên giới. Năm 2020, nhóm đã làm với con số hơn 2 tỷ đồng, một con số mà chẳng bao giờ một đứa trẻ 18 tuổi dẫn dắt một tổ chức nhỏ, nhân lực chủ yếu là học sinh, sinh viên nghĩ là sẽ làm được”, Phúc chia sẻ.