Buổi sáng ngày cuối tuần bên tách cà phê, Thanh Pháp bình dị trong quần áo sơ mi. “Cho đến giờ cảm giác hạnh phúc vẫn còn khi được hát ca khúc của chính mình trên một sân khấu chuyên nghiệp, ca khúc ấy lại được hội đồng chuyên môn đánh giá cao” - Thanh Pháp (Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh) cho biết.
Trong thời điểm dịch bùng phát khắp nơi, để tham gia Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc diễn ra, là sự nỗ lực rất lớn. Về phía nhà hát để có được đội ngũ diễn viên tham gia cũng là vấn đề vượt qua những trở ngại để có được thành công. Để bây giờ nhìn lại, Thanh Pháp bộc bạch: “Khi hội diễn khởi động, tự nhiên trong suy nghĩ của em phải có một ca khúc mới, chứ không thể hát hoài ca khúc cũ. Nhiều đêm suy nghĩ, em thấy dải đất miền Trung trải dài hiện hữu những giá trị kiến trúc Chăm độc đáo, không xuyên suốt nhưng lại giống như những giọt sương, những giọt mưa đổ xuống tạo nên sức sống cho những vùng đất. Ý tưởng ca khúc “Giọt tháp” ra đời từ đó”.
Ấp ủ, Thanh Pháp gọi điện cho người bạn nhạc sĩ là Inư Tuấn (Ninh Thuận), trao đổi ý tưởng. May mắn 2 tâm hồn lại có những trăn trở giống nhau. Inư Tuấn từ Ninh Thuận vào Bình Thuận đi thực tế và chấp bút. Bố cục của “Giọt tháp” không đơn thuần như ca khúc bình thường, mà có phần chuyển giai điệu theo từng phần. Ở đó, có những giai điệu ngọt ngào mang đậm chất dân gian, kết hợp với giai điệu hiện đại. Tuy nhiên, hành trình thực tế dang dở khi nhạc sĩ Inư Tuấn chỉ mới chấp bút được phần đầu, thì cảm xúc bị chựng lại. Không thể dừng lại, đêm đó Thanh Pháp dường như không ngủ để viết tiếp phần dang dở. Thế là từ 10 giờ đêm đến gần 3 giờ sáng, “Giọt tháp” ra đời. May mắn hơn, khi ca khúc được tập thể lãnh đạo nhà hát duyệt để tham gia hội diễn. Chiếc huy chương vàng cho ca khúc “Giọt tháp” là món quà tinh thần vô giá cho những đam mê và ấp ủ. Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Khôi đánh giá: “Đây là ca khúc dân gian mang âm hưởng dân gian nhưng lạ, mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Chăm trong giai điệu, ca từ”. “Lần đầu tiên mang ca khúc mới trình diễn thành công, đó là sự đóng góp của cả tập thể trong dàn dựng mới phát huy hết hiệu quả, mang đến cảm xúc cho người thưởng thức” – Thanh Pháp bộc bạch.
Năm 2006, Thanh Pháp khởi nghiệp vai trò ca sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm âm nhạc (Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh). Được đánh giá là một giọng hát đầy nội lực, với kỹ thuật tốt, nhưng Thanh Pháp tự nhận: “Em không có duyên với nghiệp diễn, thay vào đó có một khoảng thời gian em suy sụp tinh thần vì lý do khách quan phải mấy năm sau mới lấy lại được”. Thanh Pháp bắt đầu có những hoạch định, tập viết nhạc viết về những trăn trở của chính mình, với dòng nhạc dân gian vì: “Em muốn lưu giữ những giá trị truyền thống. Âm nhạc nhạc dân tộc, nét văn hóa truyền thống sẽ là giá trị trường tồn, cần phải phát huy và người trẻ phải biết gìn giữ” – Thanh Pháp chia sẻ. Ca khúc “Giọt tháp” là những ấp ủ trong 1 năm nay, mà Thanh Pháp đúc kết.
Dù là người từng viết cả 60 ca khúc, hơn một nửa là âm nhạc dân tộc, có những ca khúc đạt nhiều giải thưởng như “Giấc mơ Siva” (Giải B Hội VHNT Việt Nam, cũng là giải B giải thưởng Dục Thanh lần thứ 5 của tỉnh, huy chương vàng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc 2021), ca khúc “Vui mùa lúa mới”, “Xương rồng đất Tháp”, ca khúc “Giọt tháp”… Trong trận chiến chống đại dịch Covid-19, Thanh Pháp cũng có ca khúc được mọi người biết đến “Bình yên nhé” như một lời tri ân các lực lượng tuyến đầu và cầu chúc cho quê hương được sớm bình yên.
Âm nhạc của Thanh Pháp, bên trong những giai điệu luôn gắn liền với đời sống tâm linh của văn hóa Chăm, những giai thoại dân gian được truyền miệng, nét văn hóa được kết hợp khéo léo và tinh tế. Mềm mại nhưng vẫn đầy đủ sức sống về tương lai ở phía trước...
Quang Nhân