Bị chạm vào "vùng cấm" tinh thần
"Không có tóc phải đội tóc giả, mặt lệch..." là những câu nói từ bạn bè khi Minh Anh trải qua quá trình điều trị ung thư phần mềm vùng hàm mặt.
Dẫu đó chỉ là những câu nói đùa của đám bạn hồn nhiên trong lớp học nhưng Minh Anh lại cảm thấy em bị chạm vào "vùng cấm", tức bị tổn thương lớn về tinh thần. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ở độ tuổi mới lớn như em, những câu nói mang tính chất "body shaming" ấy rất dễ khiến em bị kích động và trở nên mặc cảm, tự ti.
Trước đó, khi Minh Anh lên 11 tuổi, em thường xuyên bị đau răng nhưng đi khám mỗi nơi lại cho một kết quả khác nhau. Thấy sốt ruột, chị Sầm Thị Liên (sinh năm 1981) đưa con lên Hà Nội kiểm tra thì nhận kết quả em bị mắc sarcoma nền sọ (dạng u xương ác tính). Trước thông báo từ bác sĩ, người mẹ như "chết lặng" và ngồi sụp xuống, còn Minh Anh khi ấy... không biểu hiện cảm xúc nào ra mặt.
Nhận kết luận chính thức xong, Minh Anh bắt đầu quá trình điều trị từ tháng 3/2020 với đợt hóa chất kéo dài liên tục 4 tháng, xạ trị 2 tháng, rồi lại truyền hóa chất thêm 3 tháng. Đầu năm 2021, em được bác sĩ phẫu thuật, lấy ra một khối u to bằng quả trứng gà nằm ở hốc trong chân hàm. Gương mặt em vì thế bị lệch hẳn.
Tuy mắc bệnh và phải đi lại lên bệnh viện thường xuyên nhưng em vẫn cố gắng duy trì việc học, có lần, chị Liên (mẹ Minh Anh) chứng kiến và kể: "Mỗi lần truyền hóa chất khiến con mệt rũ, nôn và không ăn được gì nhưng hễ nghỉ truyền là con xin đi học”.
Đến trường, Minh Anh không bao giờ tháo khẩu trang vì sợ các bạn hỏi vết sẹo trên mặt. Nhưng còn mái tóc thì em không có cách nào giấu được nên bị các bạn hỏi thường xuyên. "Nhiều bạn còn giật tóc, quăng khắp lớp và đi kể hết cho các bạn xung quanh về việc em bị ung thư phải đội tóc giả. Lúc đó, em không tức giận, chỉ thấy buồn và tủi thân, muốn chạy về với mẹ", Minh Anh rưng rưng kể lại.
Cũng vì thế, Minh Anh ít bạn chơi cùng hơn trước, em chỉ trò chuyện được với 2,3 người bạn thân. Thậm chí, từ một đứa trẻ ham học, thích đến trường vui đùa, em dần "sợ" đến trường, "sợ" gặp bạn bè hơn trước.
Xóa bỏ mặc cảm nhờ "nguồn sống" của mẹ
Gia đình không khá giả khiến nỗi lo về tiền chữa trị cho Minh Anh ngày càng đè nặng lên đôi vai của vợ chồng chị Liên theo năm tháng. Những ngày đầu đưa con đi viện, cả gia đình đi đi về về hơn 300km từ Sơn La xuống Hà Nội điều trị.
Cuối năm 2021, gia đình em may mắn được một người hàng xóm ở quê cho sống nhờ nhà ở Hà Nội để cắt giảm phí thuê nhà, lại thuận tiện cho Minh Anh đến bệnh viện mà không phải đi xa, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi mổ lấy u, Minh Anh tiếp tục điều trị bằng thuốc do em không hợp với hình thức tiêm truyền, bị “cháy ven” và hoại tử da tay.
Mỗi tháng, chị Liên phải lo đủ 20 triệu tiền thuốc cho con nhưng lại khó kiếm được công việc nào ổn định do phải theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho con thường xuyên. Chị nảy ra ý tưởng buôn bán rau sạch ở quê xuống Hà Nội. Đều đặn 2h sáng mỗi ngày, chị cùng chồng khẽ dậy rồi đi ra đầu ngõ lấy hàng từ xe khách rồi lại về phân loại, đóng gói.
"Khi bố mẹ thức khuya dậy sớm, em đều biết, nhưng em vẫn giả vờ ngủ cho bố mẹ yên tâm. Chứng kiến cảnh bố mẹ ngày nào cũng thiếu ngủ vì em, những vết nhăn dần hiện lên khuôn mặt của mẹ, bàn tay mẹ bắt đầu có vết chai... em thương lắm", Minh Anh nhớ lại.
Hiểu được nỗi vất vả của mẹ, em chợt nhận ra, những mặc cảm về bản thân không còn là một điều gì đó quá hệ trọng hay đáng để tiêu cực vì nó. Đã có lần, em đã có những ý nghĩ dại dột để trốn tránh những cơn đau và sự mệt mỏi khi bị kỳ thị. Nhưng... Minh Anh hiểu ra, nếu mình chết, những hy sinh của mẹ sẽ trở nên công cốc.
Em bắt đầu lấy lại tự tin hơn bằng cách phụ mẹ đi ship rau cho các cô chú hàng xóm, tươi cười nhiều hơn và tự tin khi mặc váy hay đeo tóc giả. Trong khi trước đây, em không dám gặp ai, không dám đi ra ngoài nhiều.
Hiện tại, Minh Anh đang học ở Hà Nội để vừa thuận tiện cho quá trình điều trị mà vẫn duy trì được việc học. Ở môi trường mới, Minh Anh không nói cho các bạn trong lớp biết em bị bệnh, chỉ có cô giáo chủ nhiệm của em biết.
Kể về ước mơ của mình, Minh Anh nói em từng rất thích làm luật sư. Nhưng sau khi trải qua khoảng thời gian gồng mình chiến đấu với ung thư, em thầm biết ơn các bác sĩ giỏi đã tận tâm cứu mình. Vì vậy, em có hứng thú hơn với môn Sinh học vì được khám phá, tìm hiểu về các bộ phận trên cơ thể người. Hơn nữa, em ước được làm bác sĩ để được giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn như mình hiện tại.
Xoá bỏ mặc cảm của chính mình, song song với việc điều trị, cô bé 14 tuổi đang viết tiếp ước mơ làm bác sĩ bằng việc đăng ký tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi Sinh của trường ngày 17/3 vừa qua.