Ngoài việc làm kiến trúc sư, nam 9x còn được nhiều người biết đến với dáng vẻ nhanh nhẹn, giọng nói hoạt bát kèm lời mời: "Anh chị mua vòng nguyệt quế ủng hộ em đi ạ!" tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nỗ lực sống như "người bình thường"
Khi "mọi điều ước đều đã trong tay", chị Phượng (mẹ của Phúc) từng nghĩ cuộc sống của 3 mẹ con sẽ cứ yên ả trôi đi cho đến ngày Phúc bị tai nạn, mất cả hai tay...
Năm 2014, Phúc đi làm thêm cơ khí nhưng không may bị tai nạn do nổ bình oxy. Trớ trêu thay, tiếng nổ ấy đã phá tan không gian yên tĩnh và cả cuộc đời của một chàng trai trẻ ôm giấc mơ làm cơ khí khi chỉ còn 12 ngày nữa là thi đại học.
"Bình oxi nổ được vài phút, mình vẫn nghĩ mình đang trong cơn mê ngủ. Khi được anh bạn bế lên xe đi cấp cứu, mình mới tỉnh ra... tay chưa có cảm giác gì nhưng lạnh buốt người, dây thần kinh bị tê liệt đột ngột", Phúc nhớ lại.
28 ngày nằm viện điều trị, Phúc không đêm nào ngủ được, chỉ dồn sức lực gọi "Mẹ ơi, con đau!". Còn chị Phương cũng thất thần, một mình tất tả chạy đôn chạy đáo mua thuốc, mua cháo... rồi lo tiền điều trị cho con bởi chồng chị đã bỏ 3 mẹ con từ sớm.
2 tháng đầu xuất viện, mọi sinh hoạt của Phúc phải nhờ đến mẹ hỗ trợ và dạy cách làm quen. "Nhiều lúc mình cũng thấy bí bách khi chẳng làm được việc gì ra hồn, đụng đâu đổ đấy", chàng trai 9x nói.
Dần, anh biết rửa bát, nấu ăn, làm việc nhà và sử dụng máy tính một cách thành thạo. Phúc khẳng định, người bình thường làm được việc gì, anh cũng làm được việc đó.
Sau một năm bị gián đoạn việc học vì gặp tai nạn, Phúc không dám ôm giấc mơ theo đuổi ngành cơ khí nữa. Anh bắt đầu tập viết chữ, tập vẽ và muốn xin đi học lại lớp 12 để thi đỗ đại học ngành kiến trúc. Nhận thấy con có quyết tâm cao, chị Phượng đã rất ủng hộ và lập tức hỗ trợ, làm giấy tờ xin cho con đi học lại.
"Con muốn đi học lại, mẹ sẽ đi theo con!", người mẹ tần tảo nói với Phúc.
Năm 2016, Phúc đỗ vào khoa Kiến trúc của Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. Một khởi đầu mới với chàng trai trẻ, anh cùng mẹ khăn gói xuống Hà Nội thuê trọ, vừa học vừa tập tành buôn bán kiếm thêm thu nhập.
Dù không có đôi tay nhưng thành tích học tập và mức độ hoàn thành đồ án của Phúc vẫn gây ấn tượng với mọi người. “Mới ngày đầu đến lớp, các bạn và thầy cô đều hướng sự chú ý đến em. Mỗi giờ ra chơi, các bạn lại đến hỏi thăm và tò mò xem em viết, vẽ như thế nào. Em cảm thấy khá vui vì được các bạn quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình”, Phúc hào hứng kể.
Kiến trúc sư đi bán hàng rong phụ mẹ
"Đa số ai bán hàng trên tuyến phố này đều biết Phúc cả. Đó là cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát, có khiếu ăn nói nên ai gặp cũng không thể không tiếp chuyện", chị Lựu (bán hàng trên phố đi bộ Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Phúc xin đi bán hàng rong trên phố từ năm 2018 qua một người quen để kiếm thêm thu nhập phụ mẹ. Trước đó, Phúc xin đi làm thêm ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. "Mẹ mình mắc nhiều bệnh, nếu không đi làm, một mình mẹ không thể gồng gánh tiền sinh hoạt và tiền thuốc hàng tháng. Vì vậy, mình quyết tâm, bằng mọi cách phải đi xin việc bằng được", Phúc kể.
Ngoài giờ học, Phúc đi bán hàng rong cho một ông chủ vào 3 buổi tối cuối tuần. Công việc của anh ban đầu chỉ là mời khách vào mua hàng, lấy hàng cho khách khi xem đồ… Quen việc, anh nhận thêm nhiệm vụ đi bán vòng nguyệt quế, hai tay xâu đầy vòng, dáng vẻ nhanh nhẹn.
Làm thuê được vài tháng, Phúc nảy ra ý tưởng tự nhập hàng về làm và bán. Anh kể: "Bản thân mình tự hỏi, sinh ra ở Lạng Sơn, gần cửa khẩu Trung Quốc, tại sao lại không tự vận hành kinh doanh mà phải đi làm thuê?". Nghĩ là làm, Phúc liên hệ với các anh chị cùng quê nhờ chỉ dẫn cách đặt hàng, nhận hàng số lượng lớn. Thời điểm đó ít vốn nên Phúc chỉ dám nhập số lượng ít đồ chơi trẻ em và phụ kiện làm vòng hoa nguyệt quế để bán thử.
Cứ mỗi tối, hai mẹ con anh lại ngồi đan và kết vòng nguyệt quế với đủ màu sắc khác nhau để cuối tuần đi bán. Đứng giữa dòng người nhộn nhịp, Phúc giang đôi tay không lành lặn ra và nở nụ cười tươi như những vòng hoa, vui vẻ đón chào khách. Có hôm, Phúc không có hàng để bán bởi lượng khách quá đông, mọi người biết đến câu chuyện của anh trên tivi nên đều xếp hàng để mua ủng hộ.
Năm 2020, Phúc tốt nghiệp đại học khoa Kiến trúc với tấm bằng Khá và việc đầu tiên anh làm là vội vàng chạy về khoe với mẹ. Thời gian sau, anh được nhận vào công ty thiết kế nội thất làm việc với mức lương cơ bản khoảng 7 triệu đồng/tháng.
"Khi phỏng vấn xin việc, mình luôn đưa ra khẳng định với phía công ty rằng mình sẽ làm được. Nếu công ty chưa hoàn toàn tin vào khả năng của mình, mình xin làm việc không lương một thời gian để học hỏi, lấy kinh nghiệm trước. Khi nào cảm thấy có thể trả lương được cho mình thì công ty hãy trả", Phúc kể.
Đến công ty làm việc ngày đầu tiên, Phúc như "ngôi sao hạng A" được mọi người hướng mắt nhìn. Đồng nghiệp của anh khó tin về khả năng làm việc và tò mò không biết Phúc sẽ làm việc, sử dụng máy tính ra sao. Sau 4 tháng thử việc không lương, ai cũng ngưỡng mộ anh bởi tài sử dụng máy tính và vẽ tay mô phỏng mẫu thiết kế một cách thành thạo.
8 năm trước, mất trắng đôi tay, Phúc khi ấy chẳng thể hình dung được về một cuộc sống hay một công việc cụ thể mình sẽ theo đuổi trong tương lai. Nhưng theo thời gian, chàng trai Dương Hữu Phúc vẫn “bằng mọi cách” làm việc và sống như người bình thường, vẫn bán hàng rong để kiếm tiền mua thuốc cho mẹ, là câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ về ý chí, nghị lực vượt lên nghịch cảnh.