Năm 2007, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bình Thuận, Hồng Oanh vào thành phố Hồ Chí Minh dạy trẻ ở các trường tư thục. Đến năm 2013, cô giáo Nguyễn Trần Thị Hồng Oanh chuyển về quê nhà công tác tại Trường Mầm non Phong Phú - Huyện Tuy Phong. Khi về đây công tác, Hồng Oanh mới cảm nhận được nỗi vất vả, khó khăn của việc trồng người ở các xã vùng cao.
Với tấm lòng yêu trẻ, cô giáo trẻ Nguyễn Trần Thị Hồng Oanh, sinh năm 1985 luôn tâm niệm rằng dạy các cháu không chỉ có chuyên môn, mà phải có cả tấm lòng yêu thương vỗ về để mỗi ngày đến lớp trẻ đều cảm nhận được sự ấm áp như ở nhà.
Xác định rõ làm giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách, trí tuệ của trẻ. Vì thế ngoài giờ làm việc, cô giáo Hồng Oanh chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng nhiều sáng kiến kinh nghiệm phục vụ công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ. Bản thân cô cũng luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của nhà trường.
Ngoài công việc chuyên môn, cô giáo Hồng Oanh còn ngày đêm trăn trở để đưa ra những phương pháp giảng dạy sao cho bé tiếp thu được những kiến thức từ nhà trường, giúp các em phát triển trí tuệ một cách toàn diện nhất.
Với các bé ở các độ tuổi khác nhau, cô Oanh đều chịu khó quan sát, tìm hiểu, phát hiện ưu điểm của từng bé để động viên, khích lệ. Khen ngợi kịp thời, dùng phương pháp khoa học, hiệu quả để lồng ghép nội dung giảng dạy qua các trò chơi, các câu chuyện trong các giờ học. Bé nào hiếu động hay nghịch cô thường đặt câu hỏi để bé suy nghĩ và trả lời. Đồng thời, thường xuyên sử dụng phương pháp nêu gương để cả lớp cùng phấn đấu chăm chỉ học tập, vâng lời ông bà, cha mẹ và cô giáo.
Giáo viên mầm non, ngoài việc dạy các em trên lớp, Hồng Oanh cùng với các cô trong trường còn phải chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, đảm bảo cho các em có đủ sức khỏe để học tập, sinh hoạt. Cô giáo Oanh luôn ân cần, khéo léo, chăm sóc cho các em học sinh như con của mình. Công việc vất vả, bận bịu là thế nhưng, cô không hề nản lòng mà vẫn giữ nguyên trong mình tình yêu và sự nhiệt huyết như những ngày đầu bước chân vào nghề.
Bên cạnh công việc chuyên môn, cô giáo Hồng Oanh còn tích cực tham gia nhiều chiến dịch do xã Đoàn và đoàn trường phát động như: Vận động phụ huynh ủng hộ ghế đá, xích đu, mua vở khen thưởng cuối năm cho học sinh; vận động các mạnh tình quân trang phục múa cho học sinh; vận động kinh phí từ phụ huynh làm mái che cho lớp học; Phối hợp với Công đoàn trường bán phế liệu giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trồng cây cho điểm lớp Nha Mé tại thôn 3; tích cực trong việc hiến máu cứu người; Tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện đạt kết quả tốt và các cuộc thi làm đồ dùng cho chơi đạt giải nhất cấp trường và giải 3 cấp huyện
Với những đóng góp, cống hiến của mình, nhiều năm liền cô Nguyễn Trần Thị Hồng Oanh được đoàn cấp trên tặng nhiều giấy khen vì tích cực trong công tác đoàn; nhà trường khen tặng danh hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; huyện đoàn Tuy Phong tuyên dương là thanh niên tiến tiến học tập và làm theo Bác.
Tình yêu sâu nặng với con trẻ, với nghề chính là động lực lớn giúp cô Hồng Oanh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để ngày càng khẳng định mình và tạo được niềm tin yêu với các học sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Phong Phú là một xã thuần nông, kinh phí hạn hẹp, phần vì đời sống của người dân còn thiếu thốn. Ngoài việc đi sớm, về muộn, mỗi ngày của giáo viên mầm non là một khối công việc không tên, từ dọn vệ sinh cụm lớp, vệ sinh cho các cháu, dạy bảo và nuôi dưỡng các cháu... Thế nhưng, lòng yêu nghề, mến trẻ đã thực sự là nguồn sức mạnh để các cô vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Và với cô Hồng Oanh, niềm vui càng được nhân lên khi sự miệt mài rèn luyện trong những năm qua đã mang về cho cô phần thưởng cao quý- Hồng Oanh là một trong những tấm gương điển hình trong cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.