TIN HOẠT ĐỘNG

Những bạn trẻ khuyết tật và hàng handmade

Handmade nghĩa là hàng làm thủ công, nhưng một khi đạt được sự khéo léo, tinh xảo, dễ trở nên đắt hàng.

 

Lớn tuổi nhất là Ngọc Diệp, sinh năm 1984. Trận sốt bại liệt lúc chưa đầy một năm tuổi làm 2 chân và tay trái của Diệp yếu, phải ngồi xe lăn. Không cam chịu, Diệp vẫn kiên trì theo học hết phổ thông và hoàn thành chương trình trung cấp kế toán.

Đinh Công Mạnh và Cao Thị Diệu cùng sinh năm 1987. Mạnh quê ở Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Đã 10 năm Mạnh sống chung với căn bệnh viêm cột sống dính khớp mãn tính. Trước đây Mạnh di chuyển bằng xe lăn và hàng tháng phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ siêng năng tập luyện, thuốc thang, giờ đây Mạnh đã đi đứng như người bình thường, có thể tự lái xe máy, tuy thi thoảng vẫn đau cột sống.

Còn Diệu quê ở Thiện Nghiệp, tuy bị vẹo cột sống nhưng vẫn có thể đạp xe đi chợ, đi học thêu hàng đêm. Cô gái mơ một ngày trở thành một cô thợ thêu chuyên nghiệp.

Ánh, Tân và Lan Anh nhỏ nhất trong nhóm, độ tuổi vừa đôi mươi. Các bạn trở thành người khuyết tật sau những căn bệnh mắc phải lúc còn bé. Chỉ duy nhất Quý Đôn là người bình thường, quê ở huyện Tuy Phong. Chàng trai 24 tuổi này đồng cảm và đồng hành cùng 6 bạn trong suốt thời gian qua.

Cả nhóm có một điểm chung là hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vào đời sớm, đều có nghề ban đầu là vẽ tranh cát.

Gắn kết nhờ… handmade

7 bạn trẻ bàn nhau và quyết định chọn con đường sáng tạo vật gia dụng, trang trí bằng phương pháp thủ công để… tự kiếm sống, lo cho tương lai của mình.
Bằng những đồng tiền ít ỏi tiết kiệm trước đây, một phần nhờ gia đình hỗ trợ, 7 bạn thuê một chỗ trọ, đồng thời là nơi “sản xuất” rộng khoảng 12m2 trên đường Nguyễn Văn Tố, phường Thanh Hải (Phan Thiết). Với kiến thức học được từ sách vở, trên mạng, 7 bạn sáng tạo nên những tranh bằng vải và len vụn, tranh chai thủy tinh, hoa đất sét (sinh học), hoa pha lê, hoa voan, hoa vải, móc khóa hạt cườm, vòng Dreamcatcher (vòng tròn đuổi bắt ước mơ, theo truyền thuyết của người dân Ojibwa-Mỹ). Mỗi món hàng giá chỉ từ 30 - 100 ngàn đồng.

Mỗi tháng, từ 2 đến 3 lần, Quý Đôn chở Diệu hoặc Mạnh ra các cửa hàng bán đồ lưu niệm Mũi Né, Hòn Rơm để giao hàng, nhận tiền của đợt hàng trước. Những ngày lễ, tết, thay vì vui chơi, cả nhóm tỏa ra bán hàng lưu động ở các chợ, góc phố… Mỗi tháng, tổng thu nhập trên dưới 12 triệu đồng, nhưng sau khi trừ chi phí ăn uống, phòng trọ, tiền công, tiền vốn… thì mỗi bạn chẳng còn lại bao nhiêu. “May mà nhu cầu cá nhân của tụi em không nhiều, không thôi khó khăn lắm”, Ngọc Diệp chia sẻ.

Chung một ước mơ

Đại diện nhóm, Quý Đôn cho hay, hiện có 4 cửa hàng nhận bán sản phẩm, nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn chưa ổn định vì tùy thuộc vào lượng khách du lịch. Việc bán dạo luôn trong tình trạng phập phồng vì thường xuyên bị đẩy đuổi, mất hàng hóa. Một khó khăn khác của nhóm là mẫu mã. Do ít vốn, lại xoay vòng chậm nên việc cập nhật và thực hiện mẫu mã mới cũng bị ảnh hưởng theo.

Khi chia tay, Công Mạnh rụt rè bày tỏ ước mơ của nhóm: “Chỉ ước sao có thêm vốn hoặc mặt bằng nho nhỏ để tụi em có thể phát triển được việc làm, vừa có sản phẩm, vừa có thu nhập để không trở thành gánh nặng cho xã hội, lại có thể giúp đỡ những bạn khác cùng cảnh ngộ”.


Các tin khác

Tin hoạt động các Huyện, Thị, Thành Đoàn

TIN CƠ SỞ

Tin hoạt động nhà thiếu nhi tỉnh

Image

NTN Bình Thuận: Chương trình “Chúng em tiến bước lên Đoàn”

Nhằm chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sáng nay (21/3), Nhà thiếu nhi Bình Thuận tổ chức chương trình “Chúng em tiến bước lên Đoàn”.