Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".
Những trang sử hào hùng của đất nước ta đã ghi lại và xã hội ghi nhận, đánh giá cao, cũng như minh chứng những thành tích của phụ nữ Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Chúng ta không thể quên những thế hệ phụ nữ anh hùng đã đổ mồ hôi, xương máu, hy sinh tính mạng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Tạ Thị Kiều, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thị Út (Út Tịch). Bên cạnh đó là câu chuyện về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái Truông Bồn... là những hình ảnh đẹp đẽ nhất, biểu tượng cho khí phách anh hùng, gan dạ của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh, tinh thần yêu nước của các mẹ, các chị sẽ mãi là tấm gương soi sáng, tiếp sức cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tiếp tục phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, 84 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam đã được tôi luyện, trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tỏ rõ năng lực và khẳng định mình, thời gian qua đại bộ phận cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực, đều có sự tham gia góp mặt của “phái yếu”. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động, phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Hiện có tới 33,1% đại biểu nữ trong Quốc hội khóa XII - tỷ lệ cao nhất ở Châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới; số phụ nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân các cấp trên 20%. Số lượng cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở chiếm khoảng 20%; hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết... Đây là những con số sinh động chứng minh những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển.
Để khẳng định vai trò của mình, người phụ nữ của thời hiện đại không thể tách rời gia đình và xã hội. Bởi lẽ, để giữ gìn và phát huy các chuẩn mực gia đình người phụ nữ hiện đại phải là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, để góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, gia đình và xã hội phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ phát huy được khả năng của mình. Bản thân mỗi phụ nữ Việt Nam phải luôn nỗ lực phấn đấu để có công việc ổn định đảm bảo cuộc sống, không ngừng học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, các đoàn thể, câu lạc bộ… có như vậy mới luôn thể hiện sự tự tin để tiếp tục khẳng định vai trò của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tóm lại, phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với đà tiến bộ và phát triển hiện nay, nhất định phụ nữ nước ta sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời luôn là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.