Rồi mẹ sinh thêm em trai, cũng mắc căn bệnh như Hằng. Bố mẹ cùng lúc phải chạy chữa cho cả hai chị em. Chính lúc ấy, Hằng nhận ra mình phải thay đổi, phải tự lập, "chui ra khỏi vỏ ốc" và tự đứng trên đôi chân của mình.
Hằng có niềm đam mê đặc biệt với ngoại ngữ. Bạn làm quen với tiếng Anh từ năm lên 8 khi học tại trường THCS qua những bài giảng, chương trình phát thanh, rồi được các anh chị tình nguyện viên hướng dẫn thêm.
Thế rồi yêu, bền bỉ theo đuổi tiếng Anh, trúng tuyển và xuất sắc giành được học bổng khi vào học khoa sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Việc học tiếng Anh với Hằng hầu như chẳng mấy khó khăn, chỉ là đôi chút trở ngại khi tìm kiếm tài liệu. Không dễ để tìm ra tài liệu tiếng Anh dành cho người khiếm thị. Thường các bạn nghe qua sách nói hoặc nhờ người khác chuyển từ file sách in ra file mềm rồi chuyển qua phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị hoặc qua chữ nổi Braille.
Dù vậy, cô cho rằng người khiếm thị có nhiều lợi thế khi học tiếng Anh. Bù cho việc không thấy gì, khả năng nghe của các bạn ấy tương đối tốt nên phát âm khá chuẩn. "Tôi đã vượt qua nhiều cánh cửa, tốt nghiệp đại học, trở thành giáo viên dạy tiếng Anh. Tôi muốn truyền đam mê ngoại ngữ cho các bạn cùng cảnh ngộ. Với tôi, ấy là chìa khóa mở cánh cửa cơ hội việc làm" - Hằng bày tỏ.
Hiện Bích Hằng cùng tình nguyện viên đang đứng lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn khiếm thị qua tài liệu chữ nổi. Bạn cũng có nguồn thu nhập từ việc dạy tiếng Anh trực tuyến cho các bạn bình thường khác.
Theo: Báo Tuổi trẻ