Tiết học thư viện đây là một tiết học tự chọn nhằm nâng cao kĩ năng mềm cho các bạn Đoàn viên thanh niên. Trong mỗi tiết thư viện, các bạn sẽ được thuyết trình sách, biểu diễn văn nghệ, hùng biện, phản biện về các chủ đề đuợc đặt ra hay chia sẻ những câu chyện của mình trước cả lớp. Trong năm học 2020 – 2021 vừa qua, mô hình này vẫn được duy trì thực hiện và đạt được những thành quả nhất định:
- Rèn luyện sự tự tin và khả năng đứng nói trước đám đông.
Đây là một kĩ năng rất cần thiết, đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ĐVTN rụt rè, ngại đám đông, không dám đứng trước mọi người. Thông qua tiết thư viện, tất cả các bạn đều được lần lượt đứng trên sân khấu để thuyết trình hay hùng biện, qua đó giúp học sinh dần trở nên tự tin hơn và phát huy được khả năng của mình.
- Giáo dục văn hóa đọc
Hiện nay, số lượng các bạn trẻ có đam mê với việc đọc sách ở Việt Nam nói chung và tại trường THPT Ngô Quyền nói riêng ngày càng giảm đi bởi nhiều nguyên nhân. Vì thế, việc nâng cao nhận thức về giá trị của sách và vai trò của việc đọc sách là vô cùng cần thiết. Trong tiết thư viện, tất cả các bạn sẽ lần lượt giới thiệu cho cả lớp một quyển sách mà các bạn tâm đắc. Điều đó yêu cầu những bạn thuyết trình sẽ phải đọc thật kĩ quyển sách mình chọn để truyền tải nội dung của nó đến cho mọi người, bên cạnh đó làm cho những người còn lại cảm thấy có hứng thú và tìm đọc quyển sách vừa được giới thiệu, từ đó góp phần khơi dậy sự yêu thích việc đọc sách trong lực lượng đoàn viên thanh niên.
- Tạo nên một môi trường để giáo dục, tuyên truyền các chủ đề.
Không chỉ có giới thiệu sách, các tiết thư viện còn thường tổ chức đan xen các buổi nói về những chủ đề thiết thực. Trong năm vừa qua, nhà trường cùng các lớp đã tổ chức được nhiều chuyên đề như hướng dẫn phân loại, xử lí rác thải; thái độ hay trình độ?; hàng hiệu có làm nên thương hiệu?; tình yêu tuổi học trò; ước mơ của tôi,… Trong từng chuyên đề, học sinh được tự do trình bày quan điểm và suy nghĩ của mình về vấn đề đang bàn luận, sau đó sẽ được giáo viên phụ trách chia sẻ và chốt lại nội dung, từ đó nâng cao nhận thức của học sinh về các vấn đề xã hội xung quanh.
- Tạo điều kiện phát triển năng khiếu.
Trong mỗi tiết thư viện, tùy theo từng lớp sẽ có 2- 3 học sinh phụ trách phần văn nghệ trong buổi học và tất cả các bạn đều sẽ thực hiện việc này ít nhất một lần. Phần văn nghệ của các bạn rất đa dạng, có thể là hát, múa, nhảy hiện đại, kể chuyện hay chơi đàn,… Nhờ đó giúp các bạn khám phá ra tài năng của bản thân, đồng thời tìm ra được những cá nhân có năng khiếu để đóng góp cho các hoạt động của Đoàn trường cũng như nhà trường.
Với những kết quả đã đạt được từ mô hình không gian sáng tạo trẻ, chắn chắn rằng mô hình này sẽ tiếp tục đươc duy trì, phát triển trong những năm học tiếp theo để tạo nên những khóa học sinh vừa giỏi văn hóa, vừa thạo kĩ năng.