Thứ nhất, Đoàn phải hiểu rõ thanh niên cần gì. Đây là công việc quan trọng với bất kỳ đơn vị nào, với bất kỳ một ai trong vai trò là cán bộ Đoàn, cán bộ Hội. Muốn làm tốt được điêu này, trước hết cần tìm hiểu rõ đặc điểm của thanh niên đơn vị mình, từ đó xem họ là những người đang làm những công việc gì, họ có thế mạnh gì, họ đang có nhu cầu gì trong việc làm, trong đời sống văn hóa tinh thần, trong cuộc sống và năng khiếu họ bộc lộ được trong hoạt động.
Muốn thấy được điều này, người cán bộ Đoàn cần sử dụng các phương pháp như điều tra, trò chuyện, hòa nhập, thống kê, so sánh, trắc nghiệm… để nắm được đặc thù của thanh niên đơn vị mình. Rồi cần mạnh dạn tổ chức các hoạt động cần số đông thanh niên để qua đó những phẩm chất của thanh niên phần nào sẽ được bộc lộ và chúng ta sẽ thấy họ cần gì, họ có gì, họ phải làm gì…Có như vậy, tổ chức Đoàn sẽ có được những “chiến lược” tổ chức các hoạt động Đoàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, với năng lực, sở trường của thanh niên. Và khi ấy, thanh niên cảm thấy đây chính là môi trường để họ bộc lộ bản thân, là điều kiện tốt để họ dâng hiến, là cơ hội để họ thực hiện những gì mình đang cần.
Thứ hai, cán bộ Đoàn phải năng động, nhạy bén. Đó là những phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ Đoàn ở bất kỳ thời đại nào trong quá trình đoàn kết, tập hợp thanh niên. Người cán bộ Đoàn phải có niềm tin vững chắc vào thanh niên, phải nhìn thanh niên của đơn vị mình ở cả hai mặt: Mạnh và chưa mạnh.
Việc phát động trong thanh niên cần sự năng động ở người cán bộ Đoàn ở chỗ không nên thuần nhất một hoạt động hay một chương trình nào đó mà cần đa dạng hóa, phong phú hóa hoạt động đoàn kết thanh niên, cần khơi dậy ở thanh niên bằng nhiều khía cạnh khác nhau khi mà thanh niên mỗi người có một thế mạnh riêng không ai giống ai. Ở mỗi một giai đoạn, người cán bộ Đoàn cần nhạy bén để xem thanh niên của mình cần được khơi dậy điều gì, từ đó phát huy thế mạnh của từng đoàn viên và khắc phục những điểm chưa mạnh của họ, tạo môi trường để đoàn viên phát triển toàn diện hơn.
Thứ ba, cần giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ này. Không có một người thanh niên nào không có khát khao thoát nghèo, không có khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chính vậy, giải quyết việc làm tại địa phương sẽ là một con đường quan trọng để tập hợp thanh niên và từ đó thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong con người của mỗi thanh niên. Xác định được điều nay, các cơ sở Đoàn cần căn cứ vào tình hình và thế mạnh của địa phương mình.
Từ thực tế trên, tôi xin đề xuất ý tưởng về vấn đề đồng hành với thanh niên lập nghiệp khởi nghiệp tại địa phương là thành lập câu lạc bộ đoàn viên thanh niên cùng nhau phát triển kinh tế. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ đoàn viên thanh niên cùng nhau phát triển kinh tế, các đoàn viên sẽ tự định hướng cho bản thân phát triển một mô hình kinh tế dựa vào lợi thế của địa phương.
XÃ ĐOÀN ĐỨC TÍN